Huế vốn là địa phương đầu tiên của Việt Nam xuất hiện các dàn nhạc Kèn trong những năm đầu thế kỷ XX, thúc đẩy sự phát triển của loại hình âm nhạc phương Tây tại nước ta. Mai một dần theo thời gian, đến nay Kèn Huế đã dần phục hồi và hứa hẹn một sân chơi văn hóa thú vị cho người dân địa phương và du khách.
Trong ngày đầu tiên của năm 2021, Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức ra mắt dàn nhạc Kèn Huế sau thời gian tích cực khôi phục. CLB Kèn Huế sẽ duy trì sinh hoạt và biểu diễn tại Nhà Kèn ở công viên 3.2, dọc bờ Nam sông Hương, một số địa điểm và không gian văn hóa trên địa bàn, biểu diễn tại các dịp lễ hội và các kỳ Festival… Hiện CLB có 50 thành viên, trong đó có 40 nghệ sĩ chơi kèn và sẽ tiếp tục đào tạo nhạc công, kết nạp thành viên mới trong thời gian tới.
Những năm đầu thế kỷ XX, khi âm nhạc phương Tây bắt đầu phổ biến tại Việt Nam thì ở Huế cũng xuất hiện các lớp đào tạo âm nhạc phương Tây cùng các nhạc cụ đi kèm như mandolin, violon, harmonica, flute… Năm 1918, dàn nhạc Kèn hơi nhà binh Pháp được thành lập, trực thuộc Tòa Khâm sứ Trung kỳ. Năm 1919, vua Khải Định cũng cho thành lập riêng một dàn nhạc Kèn hơi theo kiểu Pháp. Dàn nhạc này nhằm mục đích đối ngoại, phục vụ cho các nghi lễ do triều đình tổ chức. Tiếp đến, năm 1920, đội Kèn đồng của lính khố xanh Huế ra đời. Ngoài 3 dàn nhạc, đội nhạc Kèn hơi nói trên, tại Huế cũng xuất hiện các đội Kèn đồng do các linh mục, các thầy trò trường dòng thực hiện trong các buổi thánh lễ…
Dàn nhạc Kèn hơi ở Huế thời kỳ đó, ngoài phục vụ nghi lễ còn thường xuyên tổ chức các buổi hòa nhạc cổ điển và lãng mạn vào cuối tuần tại vườn hoa trước Tòa Khâm sứ. Ngoài các tác phẩm âm nhạc của các nhà soạn nhạc châu Âu như Mozart, Beethoven, Schubert, Bizet, Weber, Tchaikovsky, Chopin…; các bài hát phổ thông nước ngoài bằng tiếng Pháp như J’ai deux amours, La Madelon… cũng được thường xuyên vang lên. Trong đời sống văn hóa nghệ thuật ở Huế lúc đó, ngoài dòng nhạc cổ truyền, dòng nhạc Tây phương cũng có một đời sống riêng và được công chúng tiếp nhận. Các dàn nhạc kèn hơi ở Huế có trình độ chuyên môn khá tốt, nên thường được mời đi biểu diễn tại các sự kiện lớn trong nước và quốc tế.
Ông Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế nhấn mạnh: Tiếng kèn đồng trong nhũng năm tháng ấy đã đóng góp rất lớn vào việc hình thành nền tân nhạc Việt Nam nói chung, tân nhạc Huế nói riêng; đồng thời đem lại cho người dân Huế những xúc cảm thẩm mỹ mới mẻ, hiện đại, được giới chuyên môn cũng như thính giả Việt Nam dành cho nhiều tình cảm đặc biệt. Tuy nhiên, từ sau năm 1975, sinh hoạt Kèn hơi ở Huế đã dần mai một. Đã có thời gian UBND TP Huế đầu tư thành lập đội Kèn thiếu nhi, song chỉ hoạt động cầm chừng. Năm 2012, Học viện Âm nhạc Huế cũng tổ chức biểu diễn hoà tấu có sự tham gia của dàn kèn, tuy nhiên vài năm sau thì không duy trì được nữa.
Nhiệt huyết và trăn trở với Kèn Huế, năm 2018, nhạc sĩ Lê Quang Vũ (nguyên Chánh Văn phòng Hội Âm nhạc TP.HCM) đến Huế và xúc tiến thành lập CLB Kèn Huế với khoảng 25 thành viên. Cuối năm 2018, CLB Kèn Huế được công nhận là thành viên thuộc Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, CLB này cũng chưa có hoạt động gì nổi trội.
Đầu năm 2020, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao nhiệm vụ cho Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh xây dựng Đề án phục hồi CLB Kèn Huế và tổ chức các hoạt động biểu diễn, phát huy giá trị. Dàn nhạc Kèn Huế chính thức được ra đời nhờ sự nỗ lực của nhiều văn nghệ sĩ và sự ủng hộ, đóng góp về cơ sở vật chất và tinh thần của đông đảo công chúng.
Theo Sơn Thủy | BAOVANHOA
THẢO LUẬN TRÊN FACEBOOK