UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa ban hành Quyết định về việc công nhận điểm du lịch sinh thái cộng đồng làng A Nôr thuộc Thôn Đút 1, xã Hồng Kim, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Theo quy định của Luật Du lịch năm 2017, điểm du lịch sinh thái cộng đồng làng A Nôr đạt 3/3 điều kiện công nhận điểm du lịch gồm: Có tài nguyên du lịch, có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Tỷ lệ bản đồ phụ thuộc vào yêu cầu quản lý và địa hình khu vực; Có kết cấu hạ tầng, dịch vụ cần thiết bảo đảm phục vụ khách du lịch; Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường.
Điểm du lịch sinh thái cộng đồng làng A Nôr cách thành phố Huế hơn 60km và cách trung tâm huyện A Lưới 3km về phía Đông Bắc. Làng A Nôr là loại hình du lịch cộng đồng kết hợp với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cùng với trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc. Nằm cách ngôi làng không xa là thác A Nôr với ba dòng thác có độ cao khác nhau, còn giữ nguyên nét hoang sơ thích hợp cho du khách đến tắm suối, khám phá núi rừng và nghỉ mát dịp cuối tuần.
Để phục vụ cho hoạt động du lịch, làng A Nôr đã có 4 hộ kinh doanh homestay, quy mô đón hơn 30 khách lưu trú qua đêm. Tại những homestay này, du khách được phục vụ các món ăn truyền thống của địa phương, nghe biểu diễn múa hát… Tại khu vực xung quanh thác cũng có 24 sạp phục vụ ăn uống cho khách tham quan, tắm suối. Có đường truyền cung cấp wifi miễn phí cho khách du lịch tại các homestay.
Đến với làng A Nôr, du khách sẽ được tận hưởng không khí mát mẻ miền sơn cước. Có thể đi thác và tắm suối mát lành, nghỉ homestay không cần điều hòa và ăn các món đặc sản địa phương… Ngoài thay mới con đường bê tông vào thẳng đến thác, làng du lịch cộng đồng A Nôr từ đầu năm 2020 đến nay có nhiều trải nghiệm mới. Du khách có thể trải nghiệm 1 ngày làm người Pa Cô, gội đầu với dược liệu của bà con Pa Cô, chăm sóc răng miệng bằng thảo dược, trải nghiệm cùng nghệ nhân làm thủ công mỹ nghệ, trải nghiệm chế biến và thưởng thức ẩm thực trong không gian yên bình hòa quyện những lời ca tiếng hát. Và đặc biệt hơn cả, là khoảng thời gian yên bình các bạn có thể thong dong đi bằng xe đạp từ làng đến thác A Nôr.
Bắt nguồn từ kinh nghiệm dân gian và tục xưa của đồng bào người Pa Cô, những người làm du lịch tại A Nôr đã vận dụng vào làm du lịch. Từ ngày xưa, một số người Pa Cô đã có thói quen hái quả bồ kết rừng, mọc ở những đồi xa rồi lấy búa đập vỏ nấu nước gội đầu. Hương bồ kết rừng thơm, gội đầu lại mượt và đen tóc. Còn hễ đau răng, họ lại đi rừng hái lá K Cher (một loại lá có lông), nấu nước xông răng, vừa diệt sâu răng, vừa làm sạch miệng.
Người dân giờ đây chẳng mấy ai dùng cách xưa, vì mất công trong khi dầu gội đều có bán sẵn với nhiều loại, hương liệu khác nhau. Nhưng khi đưa vào du lịch, cả khách tây lẫn ta đều rất ưa thích dịch vụ này. Các du khách khi trải nghiệm dịch vụ gội đầu, xông răng… đều cảm thấy tinh thần thoải mái. Trải nghiệm “tắm thác – gội đầu – xông răng” ở A Nôr như một combo mà khách có thể tùy ý lựa chọn thử nghiệm. Dưới con thác hùng vĩ, khách dễ dàng cảm nhận được “hơi thở” trong veo của đại ngàn khi đắm mình dưới dòng thác, sau đó tựa đầu bên bờ suối và được chính các sơn nữ – những người làm du lịch cộng đồng nơi đây gội đầu bằng nước quả bồ kết rừng. Hoặc nếu đang có những khó chịu răng miệng, có thể thử cách chữa bệnh bằng dân gian mà ngày xưa các già làng đã truyền lại kinh nghiệm.
Nhiều người từng tới đây du lịch tâm sự rằng, làng A Nôr hiện vẫn giữ được những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, bản tính người dân tộc luôn hiện hữu bằng sự chân chất, thật thà. Dù phải băng rừng, tìm những đồi xa để hái lá, quả làm nguyên liệu gội đầu – xông răng, nhưng giá dịch vụ lại không quá cao. Được biết, nếu du khách không đi theo tour tuyến của các công ty lữ hành du lịch, thì khi sử dụng giá dịch vụ xông răng chỉ 20.000 đồng/người và gội đầu 30.000 đồng/người.
A Lưới đang thúc đẩy phát triển du lịch, mà làng du lịch cộng đồng A Nôr như một điểm đến hàng đầu được đầu tư. Ấn tượng là hướng phát triển du lịch lại dựa vào cộng đồng trên nền tảng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số và bảo vệ môi trường bền vững. Cũng như cách mà họ hái lá, quả rừng để làm một sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng. Tất cả dựa vào tính truyền thống và kinh nghiệm dân gian được người xưa đúc kết.
Được biết, mới đây, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã trực tiếp khảo sát làng du lịch cộng đồng A Nôr. Với những kết quả phát triển du lịch cộng đồng, làng A Nôr được Hội đồng thi đua của Hiệp hội Du lịch Việt Nam lựa chọn là làng du lịch cộng đồng tiêu biểu của Việt Nam. Thành quả trên nhờ những nỗ lực của huyện trong thời gian qua về việc đầu tư một mô hình du lịch cộng đồng hiệu quả.
Để mô hình tiếp tục hoạt động tốt, trong văn bản ban hành Quyết định về việc công nhận điểm du lịch sinh thái cộng đồng làng A Nôr, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã giao cho đơn vị quản lý điểm du lịch sinh thái cộng đồng làng A Nôr có trách nhiệm thực hiện việc tổ chức quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch và các văn bản pháp luật có liên quan. Các Sở, ngành Du lịch, Văn hóa và Thể thao, Giao thông Vận tải, UBND huyện A Lưới có trách nhiệm hướng dẫn UBND xã Hồng Kim tổ chức quản lý, khai thác, phát triển đối với điểm du lịch sinh thái cộng đồng làng A Nôr đảm bảo an toàn, hiệu quả, bền vững.
Theo TH.ANH | Đại Đoàn Kết | https://huenews.net/tayf