Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố kết quả chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2021. Theo đó, Thừa Thiên Huế xếp thứ hai trong toàn quốc về chỉ số này.
Theo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, DTI 2021 là tổng điểm của 9 chỉ số chính với 98 chỉ số thành phần. Trong đó, tỉnh có nhiều chỉ số dẫn đầu và xếp hạng cao như: hoạt động chính quyền số (xếp thứ nhất), an toàn thông tin mạng, hạ tầng số (xếp thứ 2), nhận thức số (xếp thứ ba)… Khác với năm 2020, điểm DTI 2021 không phải là tổng điểm của 03 trụ cột (Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số) mà là tổng điểm của 09 chỉ số chính với 98 chỉ số thành phần.
09 chỉ số chính được phân thành nhóm chỉ số nền tảng chung và nhóm chỉ số về hoạt động. Nhóm chỉ số nền tảng chung gồm 06 chỉ số chính: Nhận thức số, Thể chế số, Hạ tầng số, Nhân lực số, An toàn thông tin mạng và Đô thị thông minh (không tính điểm vào DTI cấp tỉnh). Nhóm chỉ số về hoạt động gồm 3 chỉ số chính: Hoạt động chính quyền số, Hoạt động kinh tế số và Hoạt động xã hội số.
Sở dĩ Thừa Thiên Huế đạt được thứ hạng cao là nhờ tỉnh đã triển khai quyết liệt công tác xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chương trình chuyển đổi số quốc gia trên toàn địa bàn tỉnh. Sau hơn 03 năm triển khai Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/03/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến 2025, tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn thành 100% chỉ tiêu giai đoạn 2019 – 2020 và 70% chỉ tiêu giai đoạn đoạn 2021 – 2025 được quy định tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/03/2019 của Chính phủ.
Hiện tại, Thừa Thiên Huế đang tập trung nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, trong đó ưu tiên chuyển đổi số đối với các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh như y tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, du lịch và nông nghiệp. Trong quá trình số hóa, Trung tâm Giám sát và Điều hành đô thị thông minh (IOC Huế) với hạt nhân là Hue-S đã tạo nên những bước tiến vượt bậc.
Hue-S là ứng dụng nền tảng di động được xây dựng theo hướng super app (siêu ứng dụng) với định hướng một ứng dụng duy nhất tích hợp. Hue-S vừa triển khai các dịch vụ đô thị thông minh phục vụ người dân doanh nghiệp, vừa ứng dụng chính quyền số phục vụ công tác chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước của tỉnh.
Trên cơ sở áp dụng nền tảng số, Hue-S đã làm thay đổi cơ bản và toàn diện phương thức kết nối giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Đến nay, thông qua Hue-S, các cơ quan, đơn vị tại Huế đã tiếp nhận xử lý trên 58.000 phản ánh với 226 đơn vị tham gia hệ thống xử lý phản ánh hiện trường bao gồm 193 cơ quan nhà nước và 33 tổ chức, doanh nghiệp.
Theo Minh Đức – Công Lý & Xã Hội
THẢO LUẬN TRÊN FACEBOOK