Theo Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên – Huế, thể theo nguyện vọng của một số chủ xe, đơn vị này đã đồng ý bố trí vốn ngân sách để lắp đặt 32 biển báo điểm dừng xe buýt tuyến Huế – Đà Nẵng và ngược lại, kinh phí thực hiện khoảng 185 triệu đồng.
Theo Quyết định số 2667/QĐ-UBND ngày 29/10/2019 của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế về việc phê duyệt phương án chuyển đổi tuyến cố định Huế – Đà Nẵng thành tuyến xe buýt liền kề và ngược lại đã quy định thời điểm bắt đầu đưa vào vận hành khai thác là 1/1/2020.
Đến nay, mọi công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất và sẽ chính thức đưa tuyến buýt này vào khai thác đúng thời hạn.
Theo Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên – Huế, tuyến xe buýt Huế – Đà Nẵng là tuyến xe buýt không trợ giá. Đây là tuyến vận tải có lượng hành khách đông và ổn định. Do đó, các chủ phương tiện hoạt động trên tuyến có thuận lợi hơn so với các tuyến khác.
Bên cạnh đó, để góp phần thực hiện xã hội hóa một phần đầu tư trên tuyến xe này, đồng thời nâng cao ý thức tham gia, gìn giữ bảo vệ hạ tầng phục vụ xe buýt trên tuyến, Sở Giao thông Vận tải chủ trương vận động và đã nhận được sự đồng tình các doanh nghiệp, hợp tác xã đang tham gia khai thác trên tuyến thông qua Hiệp Hội Vận tải ô tô Thừa Thiên – Huế, với mục đích đóng góp đầu tư các biển báo điểm dừng xe buýt tại 32 điểm, kinh phí thực hiện khoảng 185 triệu đồng.
Trên thực tế, Hiệp hội Vận tải ô tô đã ký kết hợp đồng số 36/HĐKT-2019 với Công ty Cổ phần đường bộ I Thừa Thiên Huế để cắm 32 biển báo này.
Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên – Huế khẳng định chủ trương xã hội hóa nói trên là đúng và phù hợp với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, vừa qua, một số chủ xe có phản ảnh với các doanh nghiệp và hợp tác xã về tình hình tài chính khó khăn do vừa phải mới đầu tư phương tiện (thay thế xe khoảng 1-1,2 tỷ đồng), lắp thiết bị giám sát hành trình, lắp biển báo điện tử, lắp camera giám sát trên xe… nên đề nghị Sở xem xét lại vấn đề cắm biển báo điểm dừng đón, trả khách.
Vì vậy, thể theo nguyện vọng của một số chủ xe nói trên, Sở Giao thông Vận tải đồng ý bố trí vốn ngân sách để lắp đặt 32 biển báo nói trên, đồng thời yêu cầu các chủ xe tập trung tài chính để lắp đặt các biển báo điện tử, camera giám sát theo yêu cầu.
Cũng theo Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên – Huế, liên quan đến tuyến buýt Huế – Đà Nẵng, nốt tài trên tuyến sau khi chuyển đổi vẫn được giữ nguyên như 15 năm nay theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, nhằm thực hiện đảm bảo tính ổn định của đơn vị vận tải và đơn vị bến xe của cả hai địa phương.
Mặc khác, số nốt tài hiện nay vẫn được xoay vòng theo đơn vị vận tải chứ không phải được xoay vòng theo đầu phương tiện vì các lý do: Sở phân bổ số nốt xe theo đơn vị vận tải chứ không phải theo đầu phương tiện. Mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã trên cơ sở số nốt được phân bổ, tự quyết định số đầu xe trong đơn vị mình. Do đó doanh nghiệp, hợp tác xã nào có nhiều đầu xe dĩ nhiên tốc độ quay vòng phương tiện sẽ chậm hơn các đơn vị có ít đầu xe.
Chính vì vậy, Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên – Huế cho rằng, việc đảm bảo nguyên tắc “Nguyên canh, nguyên cư” để đảm bảo tính ổn định trong quá trình chuyển đổi là phù hợp và tương đối công bằng giữa các doanh nghiệp và hợp tác xã cùng khai thác trên tuyến.
Bài viết của: Thảo Vi/ Báo Dân Sinh
Link bài viết: http://baodansinh.vn/tuyen-buyt-hue-da-nang-cam-32-bien-bao-diem-dung-xe-don-tra-khach-20191224162942948.htm