Ngày 21/2, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, tỉnh này đang triển khai xây dựng đề án Khu công nghệ cao đa ngành, dạng mở nằm ở xã Lộc Bổn (huyện Phú Lộc) với tổng diện tích 1.081ha.
Theo đề án, vị trí Khu công nghệ cao Thừa Thiên – Huế nằm ở xã Lộc Bổn (huyện Phú Lộc), với tổng diện tích 1.081ha. Việc hình thành Khu công nghệ cao tại xã Lộc Bổn sẽ phát huy tối đa tiềm năng phát triển của các khu vực trong tỉnh như hỗ trợ phát triển Khu công nghiệp La Sơn, các khu chức năng của Khu đô thị mới La Sơn và các khu dân cư lân cận, phát huy lợi thế hệ thống hạ tầng kết nối liên khu vực nhằm tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội tỉnh.
Khu công nghệ cao hình thành tận dụng lợi thế của cao tốc Cam Lộ – La Sơn – Túy Loan, nối với đầu tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi để bổ trợ cùng phát triển với các tỉnh, thành phố lân cận và trong khu vực như khu công nghệ cao Đà Nẵng, các Khu công nghiệp của tỉnh Quảng Nam, các khu công nghiệp nằm phía Nam tỉnh Quảng Trị như Khu công nghiệp Nam Đông Hà….
Khu công nghệ cao Thừa Thiên – Huế là khu công nghệ cao đa ngành, dạng mở, dựa vào nguồn lực nội sinh và ngoại sinh; là khu công nghệ cao quốc gia, trực thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế. Các phân khu chức năng trong định hướng phát triển Khu Công nghệ cao Thừa Thiên – Huế…
Tại cuộc họp, các Sở, ngành địa phương nêu quan điểm, việc xây dựng Khu công nghệ cao theo đề án sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, phải xác định quy mô diện tích quy hoạch quỹ đất, phân kỳ thời gian triển khai từng hạng mục cụ thể. Phải định hướng chiến lược trung và dài hạn cụ thể, cần phải chuẩn bị những yếu tố quan trọng về nguồn nhân lực, vốn đầu tư và cơ chế chính sách của một khu công nghệ cao. Có định hướng cụ thể trong triển khai thực hiện, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp. Ngoài ra, phải chọn những lĩnh vực đầu tư có lợi thế phù hợp của địa phương…
Liên quan vấn đề này, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ làm việc trực tiếp với Bộ Khoa học và Công nghệ để có định hướng cụ thể về các nội dung của đề án. Qua đó, có định hướng đúng, phù hợp cho quy hoạch, hoạch định chính sách để xây dựng đề hoàn chỉnh, đúng mục đích, tiêu chí đề ra trên cơ sở khoa học và thực tế để trình các bộ, ngành và Chính phủ xem xét, quyết định.
Trí Đức | BAOXAYDUNG
THẢO LUẬN TRÊN FACEBOOK