Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa gặp mặt hơn 500 đoàn viên nghiệp đoàn xích lô, chủ xe trên địa bàn. Ông Thọ cho rằng, đã đến lúc Huế cần xây dựng văn hóa xích lô để thu hút du khách, phát triển du lịch bền vững.
Ông Chủ tịch tỉnh đối thoại người lái xích lô
Theo ông Phan Ngọc Thọ, Huế luôn luôn tự hào là vùng đất văn hóa với thế mạnh du lịch. Tuy nhiên, muốn du lịch phát triển cần nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có người phục vụ và phương tiện giao thông.
Khi đến Huế, gần như người đầu tiên du khách gặp gỡ đó là đội ngũ những người đạp xích lô. Họ chuyên chở du khách tham quan các danh thắng, di tích xứ Huế. Chính vì vậy, những người này có vai trò nhất định trong quảng bá du lịch địa phương.
Đã có nhiều ý kiến phản ánh của du khách thể hiện muốn được trải nghiệm đường phố, cảnh quan Huế trên xe xích lô. Song họ lo ngại tình trạng chèo kéo, chặt chém nâng giá dịch vụ. Vì vậy, ông Thọ nhắc nhở những người đạp xích lô du lịch hiện nay phải thay đổi cách ứng xử để trở thành “hướng dẫn viên cho văn hóa Huế”.
Vì lẽ đó, việc đề xuất một “bộ quy tắc ứng xử” được đưa ra tại buổi gặp mặt với Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Du lịch cùng tài xế sẽ góp phần xây dựng văn hóa xích lô Huế. Để sau này, những người đạp xích lô chuyên đưa đón khách du lịch tham quan ở Huế sẽ có trang phục riêng biệt, giá cả được niêm yết rõ ràng trên xe. Tuy nhiên để làm được điều đó, cần sự chung tay của các ban, ngành, đoàn thể. Đầu tiên, cần nghiên cứu để có một mẫu xe thống nhất, mang một “phong cách” Huế.
“Đã đến lúc Huế phải đưa ra những quy định, quy chế về vận hành giao thông đối với loại hình xích lô. Có sự quản lý về phương tiện chặt chẽ, an ninh an toàn đối với loại phương tiện này”, ông Thọ trao đổi
Tại buổi gặp mặt, đoàn viên nghiệp đoàn và người hành nghề xích lô nêu lên nhiều ý kiến, trăn trở. Đó là các vấn đề về quyền lợi khi tham gia nghiệp đoàn, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, hoạt động tự phát…
Ông Dương Khánh (57 tuổi) hành nghề xích lô tại TP Huế cho biết, bản thân ông gặp không ít trường hợp xích lô có thái độ khiếm nhã, nói tục, chửi thề hay thậm chí là chặt chém du khách.
Điều này ảnh hưởng lớn đến bộ mặt thương hiệu xích lô Huế khi không ít du khách đã chuyển sang dùng các loại phương tiện thay thế khác. Để sớm nâng tầm thương hiệu và hình ảnh xích lô Huế, cần nghiên cứu để có một bộ nhận diện cho xích lô Huế từ mẫu xe cho đến màu xe, đồng bộ về giá cả trong tour, tuyến cố định. Tránh việc mạnh ai cứ tranh giành khách rồi tự ý lên giá.
Nói không với xích lô gắn động cơ
Huế hiện có trên 1.000 người đạp xích lô. Trong đó 250 người đăng ký vào nghiệp đoàn. Nhiều thành viên nghiệp đoàn bày tỏ lo ngại về tình trạng một số phương tiện xích lô đã gắn thêm động cơ.
Điều này tác động xấu đến hình ảnh xích lô truyền thống. Quan điểm của tỉnh Thừa Thiên – Huế là không chấp nhận loài hình xích lô này. Đồng thời sẽ phạt hành chính nếu phát hiện loại xe này tham gia giao thông hoặc đón, trả khách.
Để làm được điều đó, các cấp chính quyền cần thêm nhiều hoạt động hỗ trợ để phát triển xích lô thành một nghề truyền thống phục vụ du lịch. Ngành du lịch phải thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, trang bị kỹ năng cho những người hành nghề xích lô.
Nâng cao văn hóa ứng xử, tạo sự thân thiện, gần gũi đối với du khách. Phải có vốn kiến thức cơ bản về ngoại ngữ và văn hóa Huế. Để từ đó, người đạp xích lô đồng thời là hướng dẫn viên du lịch, góp phần cho quảng bá du lịch Huế.
“Làm sao để dịch vụ xích lô Huế ngày càng sang trọng hơn. Người làm nghề xích lô Huế ngày càng chuyên nghiệp, văn hóa và thân thiện hơn. Nhiều người làm nghề đạp xích lô đang còn tự ti về nghề nghiệp. Có thể anh em làm nghề này còn nghèo, nhưng không hèn. Vì họ đã bỏ sức lao động của mình để kiếm tiền một cách chân chính. Đó là điều đáng tự hào”, ông Thọ nhấn mạnh.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh trao hơn 500 suất quà, mỗi suất 300 nghìn đồng và 1 chai nước thủy tinh cho tất cả những người đạp xích lô trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, đoàn viên nghiệp đoàn xích lô Huế nhận thêm phần quà của LĐLĐ tỉnh gồm: Áo sơ mi, áo thun, thẻ bảo hiểm tai nạn con người kết hợp. 5 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn được VNPT Thừa Thiên – Huế tặng xe xích lô mới, trị giá 6 triệu đồng mỗi chiếc.
Theo Minh Ngọc/Giáo Dục Thời Đại
THẢO LUẬN TRÊN FACEBOOK