Đây là một trong những nội dung của hội nghị bàn giải pháp khôi phục và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế trong và sau dịch COVID-19.
Theo thông tin từ cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên – Huế, ngày 20/2, địa phương này đã diễn ra hội nghị bàn giải pháp khôi phục và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn trong và sau dịch COVID-19 do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Ngọc Thọ chủ trì. Hội nghị với sự tham gia của các sở ngành, địa phương, các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo đánh giá rằng, dịch COVID-19 ảnh hưởng tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, đáng chú ý là các hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, thương mại vận tải, xuất – nhập khẩu…
Cụ thể, với hoạt động du lịch, ảnh hưởng trực tiếp là từ tình trạng hủy tour, hủy phòng. Ước tính trong tháng 2/2020, lượng khách lưu trú đạt 171.000 lượt, giảm 5,7% (chủ yếu do khách nội địa, khách Mice đến dự hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện,… hầu như hủy 100%). Cũng trong thời gian này, thị trường khách quốc tế có biến động lớn và nổi bật nhấ là thị trường Hàn Quốc giảm 72,5%; Mỹ giảm 6,4%; Úc giảm 6,2%; Trung quốc giảm 87,2%; Malaysia giảm 48,5%.
Dịch COVID-19 cũng đã khiến một số cửa khẩu tạm thời ngừng hoạt động dẫn đến việc lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất bị ảnh hưởng. Do đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng 02/2020 là 22,99 triệu USD, giảm 39,2% so với thực hiện tháng 01/2020, và giảm 12,89% so với cùng kỳ.
Lĩnh vực vận tải, các dự án đầu tư cũng chịu những ảnh hưởng không nhỏ trong đợt dịch COVID-19.
Về phần mình, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã có những phát biểu về công tác phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua.
Tiếp đến, ông Thọ nhấn mạnh, trước mắt phải thực hiện theo phương châm của Chính phủ đó là “Không thay đổi mục tiêu, bình tĩnh, không chủ quan, chủ động sớm dự liệu giải pháp”. Bên cạnh đó, phải thực hiện các giải pháp, quyết liệt, nhanh, hiệu quả, dự liệu sớm để đi trước một bước diễn biến của dịch. Hạn chế tối đa ảnh hưởng kép từ cộng hưởng của dịch COVID-19 và những khó khăn nội tại của nền kinh tế, tác động của thiên nhiên. Kịp thời hỗ trợ khắc phục thiệt hại do dịch gây ra, duy trì sản xuất và tiêu dùng; khôi phục sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng sau khi dịch kết thúc.
“Chúng ta phải chủ động trong mọi tình huống, phát huy tinh thần chính quyền phục vụ để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Phải tìm đến doanh nghiệp để tìm hiểu và tháo gỡ khó khăn chứ không chờ doanh nghiệp báo cáo. Có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, hỗ trợ lãi suất trong thời gian xảy ra dịch để doanh nghiệp vượt qua khó khăn và ổn địch phát triển sản xuất kinh doanh”, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị.
Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cần tập trung thực hiện những định hướng và giải pháp trọng tâm: Cần tiếp tục kích cầu du lịch, quảng bá “Huế là điểm đến an toàn, thân thiện” để thu hút du khách; Tăng cường công tác quản lý thu ngân sách, cân đối thu chi ngân sách; Rà soát lại cơ cấu đầu tư, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng đẩy mạnh phát triển sản xuất; Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu để có thể sớm khởi công, triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, đẩy mạnh kích cầu đầu tư công lành mạnh thời kỳ “hậu dịch”…
Theo Văn Nghĩa/Kinh Tế Nông Thôn
Link bài viết: https://kinhtenongthon.vn/hue-la-diem-den-an-toan-than-thien-post33657.html