Trong các môn phái võ cổ truyền ở Huế, Hầu quyền đạo tuy ra đời muộn nhưng lại có nhiều nét độc đáo riêng, cũng như bí ẩn về nguồn gốc, xuất xứ đến nay vẫn chưa ai trả lời được, cho dù đó là các Chưởng môn, Phó chưởng môn hay Trưởng tràng của môn phái.
Theo võ sư Nguyễn Văn Anh – Phó chưởng môn Hầu quyền đạo Huế, người sáng lập Hồng phái Hầu quyền đạo (Hầu quyền đạo) là võ sư Hoàng Thành- một võ sư người gốc Huế hiện đang sinh sống và làm việc tại Đồng Nai. Anh Thành bắt đầu truyền bá Hầu quyền đạo từ năm 1977 và môn võ này nở rộ vào những năm 1980. “Nhưng anh Thành cũng không cho ai biết môn võ này anh được học từ sư phụ là ai? Tôi là Phó chưởng môn của Hầu quyền đạo cũng không biết…”, võ sư Nguyễn Văn Anh nói.
Bài võ Hầu quyền và Hầu quyền đạo
Trong võ thuật cổ truyền Việt Nam, có 10 con vật được lấy làm hình tượng linh vật để triển khai các bài quyền đó là: Long, hổ, báo, xà, hạc, sư, tượng, mã, hầu, điêu. Ứng với các con vật này thường có các bài quyền như Ô Long quyền, Bạch Hổ quyền, Xà quyền, Ưng (Điêu) quyền, Hầu quyền… Riêng về bài Hầu quyền thì hầu như môn phái nào cũng có, ví như: Hầu quyền Bình Định, Hầu quyền Thiếu Lâm, Hầu quyền Vovinam… Ngoài bài Hầu quyền còn có bài Hầu túy quyền (võ khỉ say). Tựu chung các bài Hầu quyền hay Hầu túy quyền đều mô phỏng theo những động tác của con khỉ mà triển khai nên thế võ…
Trước năm 1975, tại Hồng Kông có một môn phái chuyên sử dụng Hầu quyền đó là môn phái Đại thánh bát quái môn. Môn phái này có chi nhánh ở Chợ Lớn (Sài Gòn) do cố võ sư Trần Lâm làm truyền thừa, sau đó ông truyền lại cho con là võ sư Trần Cẩu (ông này bị câm điếc bẩm sinh) hiện vẫn đang còn sống ở TP. Hồ Chí Minh… Có thể nói, đây là môn phái võ Hầu quyền xuất hiện đầu tiên ở Việt Nam mà mới nghe tên gọi của môn phái cũng đã biết liên quan đến nhân vật huyền thoại Tôn Ngộ Không trong bộ tiểu thuyết nổi tiếng của Vương Thừa Ân “Tây Du Ký”…
Như đã đề cập ở phần mở đầu bài viết, cuối thập niên 1970 của thế kỷ trước, môn võ cổ truyền Hồng phái Hầu quyền đạo Việt Nam (Hầu quyền đạo) ra đời ở Huế. Theo võ sư Nguyễn Văn Anh: “Nếu như các bài võ của các môn phái võ cổ truyền khác chỉ lấy hình dáng, động tác của con khỉ để triển khai các thế võ, thì môn phái võ Hầu quyền đạo đã triển khai các bài quyền của mình trên tinh thần của con khỉ đó là sự linh hoạt, nhẹ nhàng, mềm dẻo, khéo léo… Hầu quyền đạo không dùng lực mà chỉ dùng gân, dây chằng, các khớp tay chân, dùng sự buông lỏng để triển khai thế võ. Đặc biệt, các bài võ của Hầu quyền đạo đều chú ý luyện nhãn thần, mắt phải rất nhanh và tinh giống như mắt loài khỉ…”.
Tinh thần của Hầu quyền đạo
Hầu quyền đạo có 4 giai đoạn tập luyện. Bắt đầu là tập Cương tức tập lực, cơ bắp các bộ phận trên cơ thể; gồm 103 thế cơ bản như thủ pháp, cước pháp, bộ pháp, tấn pháp, nhãn pháp, thân pháp…
Giai đoạn tiếp theo là Cương Nhu quyền, còn gọi là Hồng quyền. Trong Cương Nhu quyền có 7 giai đoạn (Hồng thất quyền) luyện cho các khớp linh hoạt, mềm dẻo nhất là cột sống và tay chân. Ở đây phải luyện các khớp theo biên độ co và duỗi, xoắn và dồn… Hơi thở phải tự nhiên nghĩa là dù có đánh dồn dập thì hơi thở vẫn đảm bảo các yếu tố: sâu, dài, đều, chậm làm cho cơ thể đầy đủ lượng khí ô xy, mang tính dưỡng sinh cao cho cơ thể.
Kết tiếp là Nhu quyền. Đây là giai đoạn triển khai các thế võ theo tinh thần của loài khỉ vốn là một loài vật khôn ngoan, nhanh nhẹn; bao gồm các động tác: đu, vít, nhảy, nhào lộn… Các bài Nhu quyền đều được triển khai trên tinh thần “Dĩ nhu chế cương”.
Giai đoạn cao nhất của Hầu quyền phái chính là Cực nhun – dùng ý bất dùng lực; cơ thể thả lỏng và vận động do ý thức điều khiển kèm theo hơi thở, động tác… Đây cũng là lúc Ý- Khí – Lực của người luyện võ hợp nhất giống môn võ Thái cực quyền…
Có thể kể ra đây các bài tập của Hầu quyền đạo như: Tứ vương hầu, Hầu vương quyền, Hầu khỉ công, Bát quái di ảnh hầu, Thập nhị ma vương hầu và cao nhất là Hầu hoa quyền. Giải thích về các bài quyền này, võ sư Nguyễn Ngọc Anh cho hay: “Đây là các bài tập từ thấp đến cao, từ dễ đến khó của Hầu quyền đạo. Các bài tập như Bát quái di ảnh hầu, Thập nhị ma vương hầu mang tính biến hóa điều khiển được thân ý và đánh lừa đối phương vào mê hồn trận. Đặc biệt, bài quyền Hầu hoa quyền là bài tập cao nhất của Hầu quyền đạo không chỉ mang tính hoa mỹ mà còn là một bài tập khí công thượng thặng, đóng vai trò rất lớn trong dưỡng sinh…”.
Hầu quyền đạo lấy nguyên lý của loài khỉ để vận dụng trong các thế võ của con người. Tập luyện Hầu quyền đạo đòi hỏi phải công phu khi mà các thế võ đều phải tuân thủ theo nguyên tắc: cong gối, co tay, nhảy trên ức bàn chân. Một đặc điểm nữa của Hầu quyền đạo là thường các thế tấn công để nhằm đánh chỗ hiểm của đối phương. Hầu quyền áp dụng nguyên lý “Dĩ nhu chế cương”, thường kết hợp né tránh linh hoạt và tấn công hiểm hóc.
Chiêu thức trong Hầu quyền thường nhắm vào các yếu huyệt của đối phương, như Mi tâm, Thái dương, Đan điền, Tâm hoa… khiến Hầu quyền trở thành một trong những bộ môn quyền thuật ác hiểm nhất. Vì thế, nguyên tắc tối thượng mà bất cứ một võ sinh nào của môn phái Hầu quyền đạo cũng phải thuộc nằm lòng là: “Học võ để cường thân chứ không phải học võ để xâm hại cơ thể người khác”.
Theo Võ sư Nguyễn Văn Anh- Phó chưởng môn Hầu quyền đạo Huế, sở dĩ Hầu quyền đạo ít được phát triển như một số môn phái võ cổ truyền khác vì Chưởng môn là võ sư Hoàng Thành không khuyến khích quảng bá môn võ này. Điều này cũng hợp lý bởi Hầu quyền đạo là môn phái võ cổ truyền kết hợp võ thuật, khí công và dưỡng sinh. Hiện ở Huế, người theo học Hầu quyền đạo chưa đến con số trăm…
Bài viết và hình ảnh: PHI TÂN
Link bài viết: https://baothuathienhue.vn/hau-quyen-dao-dat-co-do-a80645.html
THẢO LUẬN TRÊN FACEBOOK