UBND thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) vừa phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức thành công lễ khởi động Dự án “Xây dựng thành phố Huế văn hoá và du lịch thông minh”.
Dự án này do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ là chương trình nhằm cụ thể hóa Dự án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế, Dự án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương và Dự án thí điểm do chính phủ Hàn Quốc tài trợ cho thành phố Huế từ năm 2011 cho đến nay.
Dự án có tổng mức đầu tư 14,8 triệu USD, thực hiện với các mục tiêu xây dựng đề án phát triển du lịch thành phố Huế và xây dựng hệ thống thông tin du lịch thông minh; phát triển trung tâm du lịch văn hóa đô thị và mở rộng mạng lưới đi bộ đô thị ở Huế; lắp đặt hệ thống chiếu sáng thông minh và camera giám sát dọc theo bờ sông Hương; xây dựng năng lực hành chính công trong phát triển du lịch và quản lý đô thị.
Theo ông Ahn Min Sik, Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng, thời gian qua, thành phố Huế đã triển khai rất nhiều Dự án quan trọng hợp tác cùng KOICA. Dự án “Xây dựng thành phố Huế văn hoá và du lịch thông minh” phối hợp kỹ thuật đô thị thông minh để tích lũy dữ liệu liên quan tới du lịch và tăng khả năng tiếp cận cho du khách tới những thông tin cần thiết, bao gồm cả việc cải thiện môi trường đô thị bằng cách lắp đặt đèn thông minh, wifi công cộng, khu tích hợp văn hóa.
Thông qua Dự án, thành phố Huế sẽ có khả năng tiếp tục phát triển thành một thành phố du lịch theo hướng cả truyền thống và hiện đại. Tạo ra được nhiều giá trị đi kèm bằng những tài nguyên du lịch để tiếp tục phát triển thành phố.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, với quan điểm phát triển nhanh trên nền tảng tri thức, phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa, một chiến lược phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế thành đô thị trực thuộc Trung ương cần phải có sự cân bằng giữa phát triển đô thị hiện đại và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Do đó, những dự án thực hiện giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và KOICA như dự án “Xây dựng thành phố Huế văn hoá và du lịch thông minh” đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hiện thực hóa chiến lược phát triển của tỉnh nhà trong tương lai.
Việc tăng cường phát triển du lịch văn hóa thông minh và đô thị bền vững sẽ không chỉ phục vụ đời sống của người dân mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, xây dựng một ngành du lịch lợi nhuận cao, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nhà theo đúng tinh thần của Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Theo Anh Vũ – CLXH
THẢO LUẬN TRÊN FACEBOOK