Với gần 1.300 món ăn và thức uống, ẩm thực Huế là thế mạnh của ngành du lịch địa phương. Song song với việc xây dựng và phát triển thương hiệu “Huế – Kinh đô Ẩm thực Việt Nam”, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang chỉ đạo ngành văn hóa xây dựng hồ sơ di sản cho ẩm thực Huế.
Ẩm thực Huế thể hiện đậm nét các giá trị văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán, nghệ thuật và có bản sắc rất riêng, đã trở thành một thương hiệu tiêu biểu cho văn hóa ẩm thực Việt Nam. Vì vậy, ẩm thực Huế không chỉ xứng đáng là một di sản quý của người Huế, người Việt Nam, mà còn xứng đáng lập hồ sơ đệ trình UNESCO ghi tên vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, để từ đó được bảo vệ và phát huy giá trị một cách toàn diện, đầy đủ và bền vững trong đời sống đương đại.
TS PHAN THANH HẢI, Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế
Đây là cơ hội để quảng bá và phát huy giá trị của di sản ẩm thực đến với cộng đồng du khách trong nước và quốc tế.
Cần xem ẩm thực là sức mạnh văn hóa
Trong dòng chảy của lịch sử, Huế từng một trung tâm kinh tế- chính trị hàng đầu của đất nước, ngày nay Huế vẫn là một trung tâm văn hóa, di sản của Việt Nam, nơi còn bảo tồn, lưu giữ nhiều truyền thống văn hóa. Một trong những đặc trưng nổi bật của văn hóa Huế là ẩm thực. Ẩm thực Huế là kết tinh của quá trình sáng tạo qua nhiều thế hệ, thể hiện sự giao thoa văn hóa của nhiều vùng miền. Nhiều nhà nghiên cứu, các chuyên gia đã cho rằng, trong kho tàng ẩm thực Việt Nam có khoảng 1.700 món thì Huế chiếm đến hơn 1.300 món ăn và thức uống, chia làm 3 dòng chính: ẩm thực cung đình, ẩm thực dân gian và ẩm thực chay.
Nghệ nhân ẩm thực Tôn Nữ Thị Hà cho rằng, phải gọi ẩm thực là sức mạnh văn hóa. Điều này rất xác đáng, bởi ẩm thực Huế được đánh giá là ẩn chứa nét tinh tế, thanh nhã, vượt khỏi nhu cầu vật chất tầm thường và tiến đến một loại hình nghệ thuật cao mang một đặc trưng phong cách riêng. Ẩm thực Huế không chỉ đơn giản được thưởng thức bằng miệng mà còn phải ăn uống bằng mắt, bằng mũi, bằng tai… Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế, ẩm thực Huế thể hiện đậm nét các giá trị văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán, nghệ thuật và có bản sắc rất riêng, đã trở thành một thương hiệu tiêu biểu cho văn hóa ẩm thực Việt Nam. Vì vậy, ẩm thực Huế không chỉ xứng đáng là một di sản quý của người Huế, người Việt Nam, mà còn xứng đáng lập hồ sơ đệ trình UNESCO ghi tên vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, để từ đó được bảo vệ và phát huy giá trị một cách toàn diện, đầy đủ và bền vững trong đời sống đương đại.
Ẩm thực Huế không ngừng tiếp thu, phát triển, sáng tạo qua nhiều giai đoạn và được lưu truyền qua nhiều thế hệ đến ngày nay, trở thành thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế. Hiện ở Huế vẫn còn có nhiều nghệ nhân nắm vững bí quyết, kỹ năng thực hành, chế biến các món ăn, thức uống đặc trưng của các dòng ẩm thực Huế, trong đó phải kể đến nghệ nhân Mai Thị Trà, Hoàng Thị Như Huy, Tôn Nữ Thị Hà, Phan Tôn Gia Hiền, Hồ Thị Hoàng Anh…
Xây dựng lộ trình cụ thể
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao Sở VHTT nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh về kế hoạch, lộ trình xây dựng hồ sơ “Ẩm thực Huế” trình UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Ông Phan Thanh Hải thông tin, Sở đã và đang nghiên cứu kế hoạch phù hợp để trình UBND tỉnh, song về cơ bản trước hết là việc triển khai kiểm kê và lập hồ sơ khoa học “Ẩm thực Huế” để trình Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là yếu tố cần thiết để di sản ẩm thực Huế đủ điều kiện tiến đến việc xây dựng hồ sơ trình UNESCO.
Mới đây, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cùng một số chuyên gia, nhà nghiên cứu đã cơ bản hoàn thành chương trình “Khảo sát di sản văn hóa ẩm thực Huế”. Để thực hiện đề tài này, các nhà nghiên cứu đã công phu điền dã, sưu tập các nguồn thông tin. Trong đó, nhóm nghiên cứu đã thống kê được 670 tài liệu tham khảo liên quan đến ẩm thực Huế được công bố ở trong và ngoài nước từ trước đến nay. Kết quả đề tài này sẽ góp phần quan trọng xây dựng thương hiệu “Huế – Kinh đô ẩm thực Việt Nam”, đồng thời cũng là tài liệu quan trọng trong việc lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Ẩm thực Huế.
Ngoài ra, từ năm 2020 Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng đang triển khai xây dựng hồ sơ di sản tư liệu ẩm thực cung đình qua sách “Thực phổ bách thiên” của bà Trương Đăng Thị Bích (1862-1947). Đây là một trong những hành động nhằm hướng đến bảo tồn di sản ẩm thực cung đình triều Nguyễn trong sự phát triển của xã hội hiện đại. Và tương lai xa hơn, sẽ xây dựng, phát triển những chuỗi sản phẩm văn hóa du lịch đặc thù. Theo Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, khi thực hiện xây dựng hồ sơ cho di sản Ẩm thực Huế cũng cần quan tâm ban hành các chính sách đãi ngộ, khen thưởng và phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp xuất sắc trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản Ẩm thực Huế. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ nhân thực hành sáng tạo và truyền dạy cách thức chế biến món ăn, thức uống trong các gia đình, nhà trường, câu lạc bộ… nhằm bảo vệ di sản ẩm thực và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng xã hội. TS Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất: Trong xu hướng phát triển của công nghệ, cần tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa, truyền dạy và chế biến món ăn, thức uống cũng như đưa ẩm thực Huế vào nội dung đào tạo bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành, tại các trường học. Thường xuyên tổ chức và mở rộng quy mô các liên hoan, festival về ẩm thực Huế nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu, để ẩm thực Huế trở thành mũi nhọn của ngành dịch vụ du lịch của địa phương.
Hiện, Trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế) đã xây dựng mô hình giáo dục kỹ năng gia chánh cho học sinh, trong đó tập trung là giới thiệu kỹ năng chế biến ẩm thực Huế.
Bài viết của Sơn Thủy
Link bài viết: https://huenews.net/he53
THẢO LUẬN TRÊN FACEBOOK