Huế được xem là một thành phố vườn, cả thành phố là một công viên vĩ đại, ở đâu cũng thấy được một màu xanh mát dịu của cỏ cây, sông, hồ, đồi núi. Nhìn từ trên cao, Huế chỉ một màu xanh bát ngát, mênh mông. Cây xanh được xem là lá phổi của vùng đất Cố đô, là di sản luôn được chăm dưỡng, nâng niu. Chỉ cần một lần trải nghiệm mùa hè trên thành phố xanh này, bạn sẽ ngỡ ngàng khám phá những điều ý vị.
Dưới bóng râm của tán cây, lữ khách ngồi đó trầm tư trong bạt ngàn hương sắc cỏ cây mùa hè. Nắng hồng về đậu trên bông kim phượng tươi cười, rồi nhảy nhót qua bông cẩn rầm rì ca hát. Những loài hoa mộc mạc, bình dị ấy được khắc trên Cửu đỉnh đã đi ra từ những khu vườn, đi vào lịch sử, đi vào thi ca. Ở đó, một thế giới sâu thẳm, ban sơ đã tồn tại bằng hơi thở tươi trong vô ngần của xứ sở, lung linh tỏa sáng trong dòng chảy văn hóa hơn bảy thế kỷ đầy biến động. Nếu một ngày nặng mang những nỗi niềm nhân thế, thử dạo bước qua một khu vườn xứ Huế, gánh chất chồng ấy sẽ vơi đi bớt phần nào.
Cất chân bước vào căn nhà rường khiêm tốn trong khu vườn xanh mát, bạn và tôi chìm đắm trong không gian hằng lưu cữu vệt sống mấy trăm năm. Nói đến kiến trúc nhà Huế xưa, người ta thường nghĩ ngay đến nhà rường. Rường là cách gọi rút ngắn của rường cột. Nhà rường là loại nhà có hệ thống cột kèo gỗ, được dựng lên theo những quy cách nhất định. Nhà rường là một tác phẩm nghệ thuật, là một phần tinh hoa kiến trúc cần phải gìn giữ, bảo tồn trong mạch nguồn văn hoá của Huế, một vẻ đẹp để nhớ về Huế xưa. Bên khung cửa, người sầu mộng không còn ngồi tư lự. Lữ khách không còn là áng mây phiêu diêu khắp núi ngàn sông thẳm. Về đây nghe tiếng mọt thở than trong căn nhà im vắng, nghe lá ngoài vườn xôn xao khúc nhạc xanh. Nghe ai đó kể chuyện ngày xưa. Có gì trong ngăn kéo ký ức, khi nhịp đập thực tại cũng ngân vỡ từ bao giờ. Những trang sách ố màu năm tháng bên chiếc tù và xa hồi chiến trận. Nào ai giăng tình bên bến cũ, bỏ mặc một người ngồi vớt mộng trăm năm. Kim Long, cứ nhớ lại lên, nhuộm lại trái tim xanh màu vĩnh cửu.
Người lữ khách sẽ thích cái cảm giác ngắm bóng chiều từ từ đổ xuống thành Huế từ không gian một quán cà phê nhỏ nằm mặt sau Đại Nội, quán Chiều. Khi những ánh tà dương thưa thớt dần trên những hàng cây, mặt đường, vẻ u ẩn của lầu Tứ Phương Vô Sự trước mặt Chiều dấy lên nhiều nốt lặng. Khoảnh khắc đó đồng hiện cùng những bản nhạc tiền chiến dìu dắt lòng người. Quán nằm gọn ngay đoạn giao giữa hai con phố Đặng Thái Thân và Phùng Hưng, dáng vẻ thâm nâu, lúp xúp, nơi bóng tối toát lên vẻ kiêu hãnh của nó. Khi đêm xuống, những ngọn nến lung linh đổ bóng khung cửa sổ, le lói sáng từng chiếc bàn thấp, sóng sánh giọt cà phê của những nỗi niềm. Lữ khách ngồi xuống đây, bên những bạn hiền, bên giọt cà phê rỉ ri nhỏ xuống đáy cốc, biến màu trong suốt thủy tinh sang màu đen huyền của một đam mê chiều. Cà phê tí tách va vào nỗi lòng người luyến cảnh hoàng hôn một thoáng xao động nhỏ. Mắt người đăm đắm biết bao dòng suy nghĩ chạy qua rồi thả vèo cho trôi nổi vào xa xăm.
Ở những con đường vắng trong thành phố xanh này, cây dại thi nhau mọc đầy, trổ màu tím mơ của hoa trinh nữ, màu rực rỡ của loài ngũ sắc, màu trắng tinh khôi của xuyến chi dọc lối mòn khuất lấp, bên mảnh đất trống, không người ở và bên trên bờ tường cổ Kinh thành. Lân la, cây bò trên đống gạch hoang phế, nhuộm lên tấm ngói lưu li vàng màu hoa dại. Nhịp hè xao xuyến nhánh bằng lăng trổ hoa tím biếc, ngây thơ vươn ra giữa lòng đường đông người qua lại trên đường Hà Nội, Phạm Hồng Thái. Đó là thứ màu Chàm xưa, màu cô gái buồn thiu tâm hồn vũ nữ gắn lên gạch tháp hình ngọn Mê Ru, màu làm mát dịu hồn người trên phố. Chợt nhớ lối về dĩ vãng phía đô thành ngựa xe dập dìu, cờ phướn rực trời trong nắng sắc kinh đô. Hồn hoài cổ bỗng dưng nhẹ thênh, miên man bám vào bờ sen nở dập dìu mặt nước Ngự Hà. Làm sao quên đường những ngày nắng vàng trên lăng Minh Mạng. Nắng vương trên màu cửa thếp, le lói sáng một vùng không gian chìm trong u tịch. Nghe lá thông rơi ngoài thềm xa, nghe cánh sen nở thầm thì trên mặt hồ Trừng Minh chưa phai mộng cũ. Màu xanh và vô vàn sắc màu của mùa hè như những chiếc dù treo ngược gợi nhớ về bóng mưa bay ngược. Đi dưới tháng ngày nhiều màu sắc cũng là cách vẽ lại những buồn vui. Dĩ nhiên với màu sắc của bức tranh xứ Huế vào hạ, chúng ta có thể có được cảm giác yên bình, trong lành và khởi sự của nhiều hy vọng, yêu thương.
Giữa mùa hè, con đường “phượng bay mù không lối vào” đẹp u buồn. Ngày xưa, họ Trịnh viết nên bài ca tình lãng bằng đôi mắt nghệ sĩ bao dung bên con đường hoa phượng. Giờ đây màu hoa bị át đi một tí bởi sắc vàng của điệp, màu ngát xanh của hàng cây si, long não… chen nhịp bên đường. Phượng bay về xa xăm, rơi vào bể khứ bềnh bồng. Khách qua đường dừng chân ghé lại bên quán nước vỉa hè. Cây lung lay gọi nàng gió đến bông đùa trưa nóng. Gió từ sông Hương thổi lên mát rượi hồn phong sương trĩu gánh mảnh tình trong.
Đây đó tiếng chim ngân ca trên hàng cây xanh mát gọi mời. Tiếng chim vút cao qua Kỳ Đài, dừng lại bên Ngọ Môn rồi líu lo ca hát trong vườn Cơ Hạ. Bốn bề câm lặng, chỉ có âm thanh thiên nhiên réo rắt căng ra vỗ về ban trưa khoảng vắng. Chim kêu hè, ve gọi hạ lửng lơ trong thinh không vắng lặng. Ai đưa người yêu về trên con đường phượng bay, lướt qua hàng cây xanh xanh, đã thấy mùa rộn rã trong lòng thành Nội ngập mùa hạ dâng.
Sớm mai, nắng rọi trên sông vắng, lòng rỗng mênh mông. Dòng nước buồn thở tiếng ăn năn, lặng trôi về cố xứ. Ôm màu xanh vĩnh cửu vào lòng, lữ khách lật tung từng kỷ niệm còn niêm màu hoa dại. Rồi một mai lên chốn sơn khê, đón mây trắng về hội thung xanh. Dưới cội trang già, nghe chim gọi ngày da diết. Cứ đi về nơi ấy, để nghe ngọn gió hát ca, thấy suối chảy qua bàn chân mát lạnh, thấy Huế vẫn luôn là thành phố xanh vĩnh cửu như thuở nào.
Bài viết của Lê Vũ Trường Giang
Hình ảnh của Văn Đình Huy
Link bài viết: https://huenews.net/thxr
THẢO LUẬN TRÊN FACEBOOK